Phóng viên VOV miền Trung: Xông pha nơi ổ dịch

Giữa lúc người người trốn dịch, các phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực miền Trung lại lao vào ổ dịch.

 

Đà Nẵng những ngày cuối tháng 7, bầu không khí bị phủ lên một màu hoang mang, căng thẳng khi đợt dịch Covid-19 tái bùng phát tại đây. Tiếng hú còi của xe cấp cứu, xe chở người đi cách ly và xe phun khử khuẩn không lúc nào dứt. Giữa lúc người người trốn dịch, các phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực miền Trung lại lao vào ổ dịch.

Khó khăn duy nhất

Sau gần 1 tháng chỉ được nhìn con từ xa, anh lại gần con, hớn hở đưa tay bế. Đứa con nhỏ mới 6 tháng tuổi nhìn anh với ánh mắt lạ lẫm rồi khóc ré lên. Anh đành trở ra. Phải vài ngày sau đó làm quen dần, anh mới có thể ẵm bồng con cho thỏa nỗi nhớ.

Người cha ấy là Nguyễn Thành Long, phóng viên của VOV miền Trung. Nhận nhiệm vụ tác nghiệp về dịch Covid-19 ngay từ ngày đầu tiên Đà Nẵng phát hiện ra ca dương tính với SARS-CoV-2 khiến dịch bùng phát trở lại, anh lăn xả, đâu có dịch, anh xông pha đến nơi đó, không màng những nguy cơ lây nhiễm đang lớp lớp bủa vây.

Phóng viên Nguyễn Thành Long (ngồi giữa) trong lần đi cùng Quân khu 5 phun khử khuẩn quanh khu vực 3 bệnh viện bị phong tỏa là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình.

Mỗi ngày, Thành Long phải đáo qua những bệnh viện đang có ca bệnh Covid-19 từ 2 - 3 lần, rồi tới những khu cách ly, tiếp xúc với người dân ở điểm dịch. Thế nên gần 1 tháng rưỡi qua, nhịp sống của Thành Long khi về tới nhà là: Đi thẳng vào nhà tắm, trút bộ quần áo ra ngâm xà phòng, tắm gội, rồi ăn cơm một mình, ngủ một mình, ngày tắm giặt mấy lần, quần áo chỉ vừa kịp khô đã lấy thay. Đứa con thơ bé bỏng anh chỉ có thể nhìn qua cửa sổ.

“Phải cách ly gia đình cùng với nỗi nhớ con dù vẫn sống trong cùng mái nhà là điều khó khăn duy nhất đối với tôi khi nhận nhiệm vụ đưa tin về dịch Covid-19”.

Phóng viên Nguyễn Thành Long

Câu chuyện của Thành Long cũng là chuyện mà các phóng viên VOV miền Trung tác nghiệp tại tâm dịch Đà Nẵng phải đối mặt. Vũ Phương Cúc, nữ phóng viên duy nhất của VOV miền Trung được phân công tác nghiệp về Covid-19 chia sẻ: “Lúc nhận nhiệm vụ, tôi không nghĩ tới những nguy hiểm bản thân phải đối mặt mà chỉ lo mình đi vào những điểm dịch như thế, lỡ lây cho con thì khổ. Vì thế, ngay sau ngày ca bệnh Covid-19 đầu tiên ở Đà Nẵng được phát hiện, tôi đã cho con về quê ngoại ở Nam Định để vững tâm chiến đấu. Cũng may là chồng tôi đi công tác ở ngoài Bắc ngay từ đầu tháng 7 nên tôi không lo lây nhiễm cho chồng”, Cúc chia sẻ. Những ngày đầu phải xa con trai mới 3 tuổi, đêm nào Cúc cũng khóc vì nhớ con, và chỉ khuây khỏa nỗi nhớ khi công việc tới tấp ập đến.

Vượt qua “kẻ thù giấu mặt”

Cùng với Long và Cúc, Lê Vinh Thông là một trong những phóng viên VOV miền Trung đầu tiên có mặt tại Đà Nẵng ngay khi đợt dịch tái bùng phát. Ngày 24/7, Bệnh viện C Đà Nẵng (nơi xuất hiện ca bệnh 416) bị phong tỏa. Tối 24/7, Quân khu 5 đã tới khử khuẩn cả 3 bệnh viện (BV) có vị trí ở gần nhau: BV C, BV Đà Nẵng và BV chỉnh hình. Thời điểm ấy, Lê Vinh Thông đã có mặt tại đó để đưa tin. Ngay tối ấy, hàng chục lượt xe cứu thương và xe 52 chỗ liên tục ra vào BV Đà Nẵng để di tản hàng trăm y, bác sĩ, nhân viên y tế và bệnh nhân đi cách ly ở các địa điểm khác nhau trên địa bàn thành phố. Sự việc xảy ra quá bất ngờ, Lê Vinh Thông lập tức chạy ngay tới BV Đà Nẵng kịp chụp ảnh và lấy thông tin, tìm hiểu vì sao lại có cuộc di tản gấp gáp đến thế, trong khi BV C mới là nơi phát hiện có ca bệnh dương tính. “Sau này khi biết BV Đà Nẵng mới là ổ dịch với hàng trăm ca dương tính, tôi giật mình bởi khi ấy không kịp phòng bị quần áo bảo hộ, chỉ với một chiếc khẩu trang mỏng manh, tôi đã chạy tới tác nghiệp, dù cũng cố gắng giữ khoảng cách an toàn”, Lê Vinh Thông chia sẻ.

Phóng viên Lê Vinh Thông phỏng vấn bệnh nhân 659 khi vừa ra viện.

Cái khó nhất là việc tiếp cận các nhân vật bởi đa số họ hoặc ở trong bệnh viện, hoặc ở khu phong tỏa, cách ly. Phương Cúc thổ lộ: “Mình làm báo phát thanh nên phải gặp trực tiếp nhân vật để phỏng vấn. Khi nhân vật đồng ý hẹn gặp, mình phải tranh thủ từng giờ từng phút để gặp được luôn, bất kể thời gian và địa điểm nào. Có khi bác sĩ đã đồng ý trả lời phỏng vấn qua điện thoại nhưng lại bận đột xuất với các ca bệnh thì tôi sẽ trực tiếp tới bệnh viện”.

Từ khi xảy ra dịch Covid-19, phóng viên VOV miền Trung không có khái niệm hết giờ làm việc, mà bất cứ lúc nào có thông tin về Covid-19 là phải lập tức đi tác nghiệp, trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Thế nhưng dù tác nghiệp với bao khó khăn, bất lợi, nhưng mỗi phóng viên bằng cách riêng của mình đã xây dựng những tuyến tin bài chất lượng tốt, đa dạng, phong phú, truyền tải được thông tin hữu ích, cần thiết đến với thính giả; thậm chí còn thực hiện nhiều cầu phát thanh trực tiếp để tăng hiệu quả của thông tin.

“Không phải chỉ có phóng viên sợ bị lây nhiễm, mà có khi chính các bác sĩ lại sợ lây nhiễm từ mình vì phóng viên đi đến rất nhiều nơi có nguy cơ lây nhiễm cao”.

Phóng viên Vũ Phương Cúc

Tác nghiệp trong dịch Covid-19, sự nguy hiểm giống như kẻ thù giấu mặt. Nhưng thay vì lo lắng, phóng viên VOV miền Trung một mặt chú ý chấp hành các biện pháp tự phòng vệ bản thân, mặt khác chẳng nề hà, sẵn sàng có mặt tại những điểm nguy cơ cao lây nhiễm virus SARS-CoV-2 để có được thông tin chính xác, hình ảnh sống động, âm thanh sát thực nhất cho thính giả. Thành Long, Vinh Thông với mái tóc được húi cua ngắn tối đa cho hay: Không cửa hàng cắt tóc nào mở, chúng tôi đã phải tự cắt tóc cho mình và đội mũ lưỡi trai kín đầu để hạn chế nguy cơ bị dính giọt bắn. Giai đoạn căng thẳng nhất thì chỉ cần bước vào cổng bệnh viện là chúng tôi đã phải mặc bộ đồ bảo hộ giống như của bác sĩ rồi. Khi ra đến cổng viện là mình phải trút ngay đồ bảo hộ đó vào thùng rác, khử khuẩn cho người và cả máy ghi âm. “Ngay cả dụng cụ tác nghiệp như máy ghi âm, máy ảnh cũng được các phóng viên che chắn, bảo vệ bằng cách đeo khẩu trang cho máy”, Long cho hay.

Còn Phương Cúc, trong cốp xe máy của cô lúc nào cũng dự phòng những bộ quần áo bảo hộ để sẵn sàng đi tác nghiệp bất cứ đâu.

Đầy ắp câu chuyện cảm động

Thế nhưng tác nghiệp mùa dịch không phải chỉ có khó khăn, nguy hiểm, căng thẳng, lo buồn. Kho kỷ niệm tác nghiệp của phóng viên VOV miền Trung trong đại dịch Covid-19 đã được bổ sung những câu chuyện đẹp và quá đỗi cảm động. Những bộ đồ bảo hộ, khẩu trang, nước sát khuẩn được các nhà hảo tâm từ khắp nơi gửi tặng phóng viên. Nhiều cơ sở từ thiện đã nấu cơm để phát miễn phí cho các phóng viên. Nhiều mạnh thường quân còn nhờ phóng viên kết nối với những người nghèo khó trong dịch Covid-19 để họ giúp đỡ được đúng người, đồng thời nhờ phóng viên đi viết bài để lan tỏa cái tốt trong xã hội.

“Khi nhận kết quả âm tính, 3 anh em mừng thì có mừng nhưng cũng biết rằng đó chỉ như một phép động viên tinh thần bởi sau khi đi lấy mẫu xét nghiệm, chúng tôi lại lăn xả vào những điểm dịch chứ không ngồi nhà cách ly đợi kết quả xét nghiệm”.

Phóng viên Lê Vinh Thông

Thành Long cho hay: Chúng tôi được các cơ quan chức năng giúp tạo điều kiện tác nghiệp thuận lợi, cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết bởi hơn lúc nào hết, họ cũng muốn chuyển thông tin đến người dân để tất cả cùng chung tay khống chế được dịch bệnh; đồng thời đề xuất cho phóng viên đi xét nghiệm SARS-CoV-2. Họ gọi phóng viên là chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền. Ngay cả những bác sĩ, nhân viên y tế dù mệt và bận rộn đến vậy nhưng vẫn giúp đỡ chúng tôi bằng cách sẵn sàng trả lời phỏng vấn bất cứ lúc nào có thể, và chia sẻ những hình ảnh, clip, thông tin về quá trình chữa bệnh hay những sinh hoạt của bệnh nhân Covid-19 trong những ngày điều trị bệnh. “Ngay cả Giám đốc BV Đà Nẵng - TS.BS Lê Đức Nhân khi vừa nhận được quyết định dỡ bỏ phong tỏa bệnh viện của Sở Y tế đã vui mừng gọi điện chia sẻ ngay với tôi tin vui ấy. Đây đã trở thành tình cảm giữa những người bạn chứ không chỉ đơn thuần là công việc”, Nguyễn Thành Long xúc động.

Vừa phải đưa tin, bài về Covid-19, vừa vẫn phải đảm nhiệm các tin bài ở mảng khác nên áp lực công việc không nhỏ nhưng các phóng viên VOV miền Trung chưa từng than mệt. Họ chỉ mong làm sao hoàn thành tốt công việc, đưa tin cập nhật kịp thời về dịch để góp sức cùng cả nước chống dịch.

Tác nghiệp mùa dịch không phải chỉ có khó khăn, nguy hiểm, căng thẳng... mà còn có những câu chuyện đẹp và quá đỗi cảm động.

Khi dịch xảy ra được 2 tuần thì Thành Long, Phương Cúc và Vinh Thông được đi xét nghiệm. “Khi nhận kết quả âm tính, 3 anh em mừng thì có mừng nhưng cũng biết rằng đó chỉ như một phép động viên tinh thần bởi sau khi đi lấy mẫu xét nghiệm, chúng tôi lại lăn xả vào những điểm dịch chứ không ngồi nhà cách ly đợi kết quả xét nghiệm”, Vinh Thông chia sẻ.

Dứt lời, nhóm phóng viên VOV miền Trung tác nghiệp về dịch Covid-19 ấy lại hối hả, gấp gáp: “Chúng tôi phải đến bệnh viện ngay bây giờ. Sắp đến giờ bệnh nhân khỏi bệnh ra viện rồi”. Bóng họ khuất dần, để lại trên làn sóng VOV những vệt tin bài quá đỗi cần thiết, hữu ích cho thính giả./.
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận